Nhiều nhà giáo nhìn nhận việc bốc thăm môn thứ ba khiến kỳ thi lớp 10 trở nên may rủi, tạo áp lực, song cũng không ít ủng hộ, cho rằng giúp tránh học lệch.
Theo phương án thi lớp 10 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến, kỳ thi sẽ diễn ra với ba môn, gồm Toán, Văn và một môn được bốc thăm ngẫu nhiên, thuộc chương trình mới. Môn này được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Hiện, ở bậc THCS, học sinh học 10 môn bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Bất ngờ và “có phần khó tin” là phản ứng của hiệu trưởng một trường THPT ở TP HCM. Ông nói rất muốn biết căn cứ để Bộ đưa ra đề xuất bốc thăm môn thi, vì cho rằng thi cử không nên để yếu tố may rủi can thiệp.
“Tôi không đồng ý phương án thi này”, ông nói. Ngoài ra, công bố môn thi thứ ba vào cuối tháng 3 hàng năm là quá muộn.
“Nếu Bộ lo lắng việc biết trước các môn thi khiến nhà trường, học sinh dạy, học lệch, thì chúng ta đang tự đánh giá công tác quản lý của mình yếu kém”, ông nhận định.
Theo ông, việc kiểm tra, đánh giá, giám sát từ nhà trường và cơ quan quản lý có thể ngăn chặn tình trạng học lệch, không nhất thiết phải công bố môn thi muộn. Chẳng hạn TP HCM, Bình Dương lâu nay vẫn ấn định thi ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vào lớp 10, và đều trong top 10-20 cao nhất cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp.
Thí sinh thi lớp 10 tại THCS Trần Quốc Toản, TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Đồng tình, một hiệu trưởng THCS ở quận Bình Thạnh nói không nên tạo thêm “áp lực không cần thiết” cho học sinh.
Ông nhìn nhận tuyển sinh lớp 10 là kỳ thi có chọn lọc, nên việc ôn luyện là tất yếu dù môn thi được công bố lúc nào. Nhưng nếu công bố muộn, áp lực tăng lên, sinh ra hệ quả tiêu cực.
“Khi biết tin, nhiều phụ huynh, giáo viên nhắn tin cho tôi, rất hoang mang”, ông kể.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, cũng băn khoăn về thời điểm công bố môn thứ ba, có thể khiến học sinh và phụ huynh lo lắng. Trong khi đó, kỳ thi thường căng thẳng, nhất là ở những địa phương có khoảng 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm như Hà Nội, TP HCM.
Cả hai hiệu trưởng tại TP HCM đều kiến nghị kỳ thi lớp 10 nên để địa phương tiếp tục chủ động như hiện nay, từ phương thức đến số lượng môn, cấu trúc đề thi. Nếu thi ba môn, cả hai nhận thấy Văn, Toán, Tiếng Anh là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nên cố định thi Văn, Toán, Ngoại ngữ cũng là lựa chọn của hơn 22.100 độc giả tham gia khảo sát trên VnExpress, chiếm tỷ lệ 88% trong hơn 25.000 ý kiến, tính đến cuối ngày hôm qua. Số đồng tình với phương án do Bộ đề xuất chỉ gần 2.400 (khoảng 10%).
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà giáo đánh giá phương án của Bộ là hợp lý. Thầy Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội, cho biết thi Văn, Toán bắt buộc cùng một môn bốc thăm là việc được thầy cô trong trường dự đoán từ trước. Thầy Cường hoàn toàn đồng tình vì hai lý do chính.
Một là phương án này có sự thống nhất với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 (Toán và Ngữ văn bắt buộc, cùng hai môn tự chọn), tạo tính xuyên suốt trong dạy và học với tinh thần không coi nhẹ hay đặt nặng môn nào, trong đó Văn và Toán là hai môn xương sống. Thêm nữa, với lứa tuổi THCS, ba môn thi lớp 10 là “vừa tải”, không nhất thiết thi bốn môn như THPT.
Thứ hai là tạo sự tương đồng nhất định trong cả nước. Theo thầy Cường, năm nay kỳ thi vào lớp 10 theo chương trình mới lần đầu được tổ chức, việc có một khung thống nhất về số lượng môn sẽ tạo thuận lợi trong định hướng giáo dục.
Ông Đỗ Hữu Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, cũng đồng tình với đề xuất của Bộ, dù thực tế nếu được chọn, tỉnh vẫn muốn duy trì ba môn Văn, Toán, Tiếng Anh.
“Tôi hiểu rằng phương án bốc thăm được đưa ra để khẳng định quan điểm các môn đều bình đẳng. Điều này hợp lý”, ông Quỳnh đánh giá.
Tuy nhiên, ông cho rằng Bộ nên làm rõ những môn nào được dùng để bốc thăm trong 8 môn học còn lại (trừ Toán và Văn), tránh để học sinh, phụ huynh hoang mang. Hiện, hầu hết nhà giáo hiểu rằng các môn bốc thăm chỉ nằm trong nhóm môn tính điểm (Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học), không gồm Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) – những môn được đánh giá bằng nhận xét, có tính cá nhân cao.
Ngoài ra, thời gian thi môn Toán nên tăng lên 120 phút, bằng môn Ngữ văn vì từ trước tới nay thời gian thi môn Ngữ văn và môn Toán đều như nhau.
Còn theo hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Hồng của trường THCS Chương Dương, Hà Nội, phương án thi nào cũng có thể thực hiện, vì “khó người khó ta”. Hơn nữa, những môn được thi cũng đều nằm trong chương trình, tức là học sinh đều được học.
“Đã học thì thi được”, cô nói. Điều cô mong muốn là Bộ kiên định với những giải pháp và chính sách giáo dục mà ngành cho rằng hợp lý.
“Trường học là cấp trực tiếp thực hiện nhiều chính sách, chịu tác động rõ rệt nhất của những thay đổi. Tôi chỉ mong cơ quan quản lý không ‘đẽo cày giữa đường’ để giáo viên yên tâm thực hiện”, cô nói.